Cuốn sách Sức mạnh của Thinh lặng của ĐHY Robert Sarah, xuất bản năm 2016 tại Pháp, được dịch ra nhiều thứ tiếng, nay đã được dịch sang tiếng Việt. Ngay khi vừa xuất hiện nó đã được nhiều thành phần dân Chúa khắp nơi, giáo sĩ, tu sĩ, các học giả và giáo dân, nhiệt thành đón nhận, bởi vì nó đáp ứng mong mỏi của nhiều người muốn tìm được những hướng dẫn thiêng liêng để vượt thoát khỏi sự ồn ào khích động bao trùm đời sống hôm nay. Trong giáo phận đức giám mục đã giới thiệu cuốn sách này với các linh mục và tu sĩ, ngài khuyên các cha năng đọc, thực hành và yêu thích sự thinh lặng nội tâm. Chúng ta có thể cũng cần biết qua cuốn sách này.
ĐHY Robert Sarah sinh ra tại Ourous, một ngôi làng nông thôn nước Guinê thuộc Pháp, vào ngày 15 tháng 6 năm 1945. Ngài là con của một gia đình cải đạo từ đạo vật linh sang công giáo. Năm 1957, 12 tuổi, ngài vào tiểu chủng viện thánh Augustinô ở Bingerville, Bờ Biển Ngà. Tháng bảy năm 1969 ngài được thụ phong linh mục; và được tấn phong giám mục ngày 8 tháng 12 năm 1979. Là giám mục ngài phục vụ tổng giáo phận Conakry trong hơn hai mươi năm, và trong thời gian đó, ngài cũng đảm nhiệm cương vị chủ tịch Hội đồng Giám mục Guinê và chủ tịch Hội đồng Giám mục Tây Phi. Ngài được Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI tấn phong hồng y ngày 20 tháng mười một năm 2010. Ngài đã nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong giáo triều. Trước khi chính thức nghỉ hưu ngày 20 tháng hai năm 2021, ĐHY Robert Sarah làm tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỉ luật các Bí tích, chức vụ ngài phụ trách từ 27 tháng năm, năm 2015.
Cảm hứng ban đầu để viết cuốn sách này đến từ chuyến thăm của ĐHY đến Đan viện tại Lagrasse, nước Pháp. Ở đó ngài gặp một tu sĩ trẻ tên gọi là sư huynh Vincent- Marie; người này không thể nói được và cử động được do căn bệnh đa xơ cứng toàn thân, cuối cùng đã qua đời. Tình bạn của các ngài là một tình bạn “được sinh ra trong thinh lặng, tăng triển trong thinh lặng và tiếp tục tồn tại trong thinh lặng.” Cuộc gặp gỡ đầy cảm động này đã để lại nơi ĐHY ấn tượng và cảm xúc mãnh liệt. Ngài nhận thấy nơi thầy Vincent một đức tin mạnh mẽ, một sự phó thác trọn vẹn, và một niềm vui thiêng liêng sâu xa. Sự thinh lặng bao trùm bầu khí cuộc gặp gỡ đầy kỉ niệm ngày hôm ấy, 25 tháng mười, 2014. Nhưng những ánh mắt của thầy, miệng cười của thầy, và cả những dòng nước mắt của thầy đã nói lên rất nhiều điều với ĐHY. Khi trở về Rôma, nhiều lần ngài gọi điện thoại hỏi thăm thầy Vincent. Mỗi lần ngài đều nói rất chậm, đầy biểu cảm ân cần và tình yêu thương. Và ĐHY nghe thấy được tiếng thở khó nhọc, nhịp tim đập đều đặn, và tiếng rên nhẹ vì cơn đau hành hạ…của thầy Vincent từ đầu dây bên kia. Và vào một ngày Chúa nhật mùa thu năm 2016, sư huynh Vincent đã trở về với Chúa trong sự bình an và niềm phó thác trọn vẹn. ĐHY đã đến cử hành nghi thức an táng cho thầy Vincent- Marie, một người bạn mà ngài kết thân trong mối tương giao thinh lặng tuyệt vời. Tình bạn này cũng dẫn ĐHY Sarah đến thăm Đan viện Grande Chartreuse, tu viện chính của các tu sĩ Dòng Carthusian (Dòng thánh Brunô). Những cuộc gặp gỡ này, cùng với kinh nghiệm thiêng liêng của chính Đức Hồng y như một nhà chiêm niệm tuyệt vời, đã thúc đẩy ngài chấp bút cuốn sách Sức mạnh của Thinh lặng, trình bày về vai trò thiết yếu của thinh lặng trong đời sống nội tâm.
Cuốn sách Sức mạnh của Thinh lặng được viết dưới hình thức những đoạn ngắn, theo đề mục của năm chương, đưa ra để trả lời những câu hỏi và bình giải thêm những vấn đề do nhà báo và tác giả người Pháp Nicolas Diat đặt ra. Tổng cộng, cuốn sách có 365 đoạn. Dù không có ý viết dưới dạng suy tư đạo đức hàng ngày, nhưng con số đó lại ứng với các ngày trong một năm. Điều này có thể là chủ ý của tác giả: Thinh lặng phải là một phần của đời sống chúng ta – mỗi ngày.
– Hai chương đầu giải thích vai trò thiết yếu của thinh lặng, để từ đó chúng ta có thể đón nhận những điều căn bản mà Chúa muốn nói với chúng ta. Tuy nhiên, những tiếng ồn ào liên tục thống trị cuộc sống hiện tại, nó lấn át các sinh hoạt mọi nơi mọi lúc khiến chúng ta không thể tìm được thinh lặng và bình an nội tâm.
– Chương ba xác quyết rằng chúng ta cần thinh lặng để bước vào cầu nguyện và cử hành phụng vụ, bởi vì thinh lặng diễn tả mầu nhiệm Thiên Chúa một cách sâu xa và phong phú hơn lời nói.
– Chương bốn bàn trực tiếp đến thái độ im lặng của Thiên Chúa trước vấn đề đau khổ của nhân loại, do ông Shusaku Endo, một tiểu thuyết gia công giáo người Nhật đặt ra, qua tác phẩm Sự Thinh lặng của ông. Chúng ta không thể hiểu được sự ác, bởi vì nó phi lý. Nhưng chúng ta phải luôn cầu nguyện để có thể đối phó với nó, đồng thời phải chiêm ngắm Chúa Giêsu trên thánh giá, Đấng đã đón nhận tất cả vào với mình.
– Chương cuối cùng ghi lại cuộc trò chuyện thân tình và sâu sắc với một bậc thầy của đời sống thinh lặng, cha Tổng quyền Dòng Carthusian (dòng thánh Brunô), Dom Dysmas de Lassus.
Reviews
There are no reviews yet.