Đối với những người hâm mộ tiểu thuyết tâm lý tội phạm, Donato Carrisi dường như là lựa chọn không thể thiếu. Sau thành công từ Kẻ nhắc tuồng, Tòa án linh hồn là cuốn tiểu thuyết thứ hai của tác giả ăn khách người Italia và ông đang xây dựng danh tiếng để viết tiểu thuyết tội phạm có khuynh hướng tâm lý bất thường.
Lara, một nữ sinh viên ngành Kiến trúc đã biến mất một cách bí ẩn khỏi kí túc xá của mình ở thành phố Roma. Cảnh sát nhận định có lẽ cô là nạn nhân mới nhất của một kẻ giết người hàng loạt. Trong thành phố mưa, Marcus cùng đồng sự của mình đang phân tích vụ án và hy vọng vẫn có thể tìm thấy cô còn sống. Họ không phải những người điều tra bình thường, họ là thầy tu của Giáo Đoàn Ân Giải, hoạt động bí mật và độc lập với cảnh sát.
Một năm trước, Marcus bị thương và mất trí nhớ. Anh không biết mình là ai và từ đâu đến. Được người cộng sự chỉ dẫn, anh phát hiện bản thân có biệt tài phân tích hiện trường vụ án để thấu hiểu thông điệp đen tối mà cái ác gieo rắc lên mọi vật, như thể anh chính là người chứng kiến toàn bộ sự việc diễn ra.
Sandra là một cảnh sát chụp ảnh hiện trường có chồng qua đời trong một vụ tai nạn thương tâm khi đang tác nghiệp tại thành phố Roma. Cô đã chôn giấu nỗi đau của mình bằng cách làm việc không ngừng nghỉ, nhưng một cuộc gọi điện thoại bất thường từ một đặc vụ Interpol đã khiến cô quyết định điều tra lại cái chết của chồng mình và sớm phát hiện sự thật anh đã bị sát hại.
Manh mối các vụ án đã đưa Marcus và Sandra gặp nhau. Từ chỗ đối đầu, cả hai trở thành công sự và sát cánh cùng nhau vén bức màn bí ẩn về Vatican – kho lưu trữ tội ác lớn nhất thế giới và cũng là “tòa án lâu đời nhất của Giáo triều La Mã” tồn tại từ thế kỷ 12.
Tác giả
Donato Carrisi sinh năm 1973 ở Ý, tốt nghiệp ngành luật và tội phạm học trước khi trở thành nhà viết kịch bản phim truyền hình. Cuốn tiểu thuyết trinh thám đầu tay Kẻ nhắc tuồng của ông đã gây được tiếng vang lớn với năm giải thưởng Văn học quốc tế, được dịch ra hơn 30 thứ tiếng, và đưa tác giả lên vị trí “nhà văn Italia được đọc nhiều nhất trên thế giới”.
Trích đoạn 1
“Kho dữ liệu của Tòa Ân Giải Tối Cao là nơi cái ác từ lâu được nghiên cứu, tháo dỡ và phân tích. Nhưng có một quy tắc là mọi linh mục ân giải chỉ được tiếp cận với một phần của tài liệu. Điều này nhằm bảo quản sự bí mật, nhưng cũng bởi vì không ai có thể quản lý nổi kho kiến thức về quá nhiều tội ác”. Biết chắc đã thu hút được toàn bộ sự chú ý của Sandra, ông ta tiếp tục: “Họ ảo tưởng rằng, bằng cách thu thập càng nhiều càng tốt những trường hợp điển hình của tất cả những tội lỗi, họ có thể hiểu được những biểu hiện của cái ác trong lịch sử loài người. Nhưng cho dù họ có cố phân loại nó, ép buộc nó vào những phạm trù cụ thể, cái ác vẫn tìm được cách để né tránh mọi khuôn khổ, mọi khả năng dự báo. Luôn luôn tồn tại những dấu hiệu bất thường: những điểm thiếu hoàn hảo nho nhỏ nhưng có thể được điều chỉnh lại. Vì thế những linh mục ân giải đã chuyển từ vai những nhà nghiên cứu và lưu trữ viên thông thường thành những điều tra viên trực tiếp tham gia vào quá trình thực thi công lý. Bài học lớn nhất của kho dữ liệu mà những thày tu đó vô cùng quý trọng là cái ác được sản sinh sẽ sản sinh ra cái ác khác. Đôi khi nó hành động như một loại bệnh dịch không thể ngăn cản nổi, hủy hoại con người mà không cần biết đó là ai. Nhưng những linh mục ân giải không ngờ rằng, chính họ cũng là con người nên quá trình đó cũng có thể ảnh hưởng tới cả họ”.
Trích đoạn 2
… Tất cả những cá thể sống trong tự nhiên đều giết chóc. Nhưng chỉ có con người làm việc đó không chỉ vì nhu cầu mà còn vì tính ác dâm đơn thuần, đó là thú vui được gieo rắc sự đau khổ. Lòng tốt và sự độc ác không chỉ là những phạm trù đạo đức. Trong những năm qua tôi đã chứng minh rằng người ta có thể nuôi cấy một sự điên cuồng giết chóc trong bất cứ loài vật nào và xóa bỏ đặc tính di truyền loài của chúng. Tại sao con người phải là ngoại lệ?
..
Reviews
There are no reviews yet.