Combo Tiểu Thuyết Kinh Điển – Búp Bê I Và II (Bộ 2 Tập)
Cây bút tầm cỡ bậc nhất của nền văn học Ba Lan – Boleslaw Prus – từng bày tỏ với những người đương thời rằng:
“Tôi muốn viết lấy vài cuốn sách xuất phát từ những câu hỏi lớn của thời đại chúng ta”.
Năm 1890, việc Búp bê được xuất bản thành sách là một minh chứng rõ ràng cho tâm ý của Boleslaw Prus; ngay lập tức cuốn tiểu thuyết gây nên những tranh luận bởi sự lệch khác so với bút pháp quen thuộc trên văn đàn thuở đó, và sau này nó đã trở thành tác phẩm “vàng” đại diện cho dòng văn học hiện thực phê phán tại Ba Lan.
Búp bê được chia làm hai phần, phần I xoay quanh ba nhân vật: Vôkulxki – một thương gia muốn dấn thân vào tầng lớp quý tộc, Izabela – nàng tiểu thư xinh đẹp, đỏng đảnh của nhà Oenxki và Giexki – người bạn trung thành, đồng thời là vị quản lý kinh doanh cho Vôkulxki.
Theo dòng trần thuật, có thể thấy rõ hai Vôkulxki: trước khi gặp Izabela – một thanh niên nghèo túng xin được chân bán hàng tạp hóa song vẫn kiên trì đeo đuổi giấc mơ thi vào trường Đại học Tổng hợp. Một vị khách từng giễu cợt anh rằng: “ông có cầu thang thì cũng khó bước từ hầm rượu lên đấy chứ? Thế mà cậu lại muốn bước ngay từ một cửa hàng lên trường đại học”, vậy là để chứng tỏ quyết tâm sắt đá của bản thân, Vôkulxki liền “đưa hai tay lên vịn vào gờ lỗ hổng trên trần hầm rượu rồi vươn người lên”. Hình ảnh đó, đúng như lão Giexki nhận định “là biểu tượng cuộc đời cậu ta – từ một cửa hàng chật hẹp vươn ra thế giới rộng lớn”.
Vậy mà gần hai mươi năm sau, khi gặp Izabela, vì tình yêu cuồng nhiệt dành cho tiểu thư, Vôkulxki sẵn sàng từ bỏ cả gia sản lẫn danh dự nhằm làm vui lòng nàng. Song Izabela – với thói đỏng đảnh và tính khí thất thường – lại chỉ coi ông như “bàn đạp” hòng khôi phục hình ảnh cao sang thuở trước. Izabela, như cách mà nhà văn ám chỉ, là cô búp bê mang đầy đủ căn cốt của giới quý tộc đương thời: lộng lẫy nhưng quá đỗi vô hồn. Trong thế giới hào nhoáng đó, các vị bá tước, hầu tước, quý bà, quý cô dẫu xem thường Vôkulxki nhưng vẫn vờ săn đón, chào mời ông nhằm giành đoạt lợi ích. Về phía mình, Vôkulxki không ngại đáp ứng mọi yêu cầu để tiến từng bước vào đại sảnh thượng lưu, và hơn hết, để có cơ hội đón lấy nụ cười nửa miệng, ánh mắt thoáng qua của nàng tiểu thư kiều diễm. Có thể tìm thấy sự tương đồng giữa Vôkulxki và Raphael de Valentin của Miếng da lừa (Balzac) – mô típ nhân vật vỡ mộng.
Bên cạnh hai nhân vật chính, Giexki – lão nô bộc tận tụy của Vôkulxki xuất hiện như một người quan sát, bình luận chủ yếu thông qua những trang nhật kí. Boleslaw Prus nhiều lần đã “mượn” điểm nhìn của Giexki để tiếp cận với đủ hạng người, đủ giai tầng xã hội, để mô tả chân thực những chuyển động muôn vẻ của đời sống: từ những vị khách quý tộc tìm tới cửa hiệu của Vôkulxki cho đến đám nhân viên bán hàng, cánh sinh viên, những người lao động trong khu nhà mà gia đình Oenxki cho thuê vv. Bởi vậy, ngỡ tưởng Búp Bê sẽ chỉ xoay quanh phòng trà, bàn tiệc song đã được phóng chiếu sang nhiều không gian khác, tái dựng liên tục những lát cắt trong xã hội Ba Lan, và châu Âu ở thế kỉ 19.
Tuy nhiên, đặc trưng về không gian, thời gian không tước đi sức hấp dẫn của thiên tiểu thuyết – nhờ sự lựa chọn chủ đề tình yêu muôn thuở và lối viết “uy-mua”độc đáo. Boleslaw Prus đã mô tả tình yêu mù quáng, tuyệt vọng mà Vôkulxki trao cho “búp bê” Izabela bằng ngòi bút uy-mua thâm thúy, từ đó chẳng những khơi sâu bi kịch cá nhân mà còn phản ánh diện mạo xã hội với ba tầng lớp căn bản: giới quý tộc, tư sản và người lao động. Thủ pháp miên theo dòng tâm lý, đan cài độc thoại nội tâm tỏ ra hoàn toàn phù hợp với thế giới cảm xúc phức tạp của nhân vật trung tâm, đưa Búp Bê trở thành “một trong những tiểu thuyết lớn nhất về tình yêu của toàn bộ nền văn học Ba Lan, có thể mạnh dạn đặt bên cạnh các kiệt tác của văn học thế giới như Bà Bovary, Flaubert hay Anna Karenina, Tolxtoi”.
Chủ đề đa dạng trong Búp bê được thể hiện bằng những thủ pháp nghệ thuật hiện đại, hiện đại đến mức gây nghi ngại cho các nhà phê bình văn học đương thời: cấu trúc lỏng lẻo, khác xa với cách thức xây dựng tác phẩm vốn có; xa rời tính rõ ràng của hành động và động cơ nội tại mang tính nhân – quả; lồng hình thức nhật kí vào tiểu thuyết vv. Song chính sự “đi trước”, sáng tạo về lối viết đó, cũng như mối quan tâm sâu sắc tới số phận con người giữa dòng chảy lịch sử đã tạo dựng một tầm vóc, một giá trị khó lòng bị băng hoại cho cuốn tiểu thuyết.
..
Reviews
There are no reviews yet.