Description
Trích Ba người yêu nhau
Người thứ hai đang yêu.
Anh có đôi mắt đẹp. Đó là cảm nhận ngay tức khắc của tôi khi nhìn thấy anh. Đó cũng là lần đầu tiên gặp gỡ chớp nhoáng, chưa đầy hai phút của chúng tôi.
Đó cũng là suy nghĩ của Phượng, cô kế toán trường cấp hai gần ngân hàng nơi tôi làm việc. “Về sau, những lúc an ủi anh ấy, nhìn anh ấy khóc vì buồn nhớ, em mới nhận ra là mắt anh đẹp lắm!”. Vậy nên, mặc cho bây giờ tôi sống ảm đạm thế nào, tôi vẫn luôn nghĩ về Phượng với lòng biết ơn vì cô ấy đã đưa anh đến cuộc đời tôi.
Anh phụ trách phòng thí nghiệm trong trường, là nhân viên hành chính giống như Phượng. Từ lúc bắt đầu mang thai đứa con đầu lòng, mỗi lần có việc đi ngân hàng, Phượng thường nhờ anh chở đi giùm. Phượng nêu lý do rất dễ thông cảm: “Có người đi chung, lại là đàn ông cho nó yên tâm ba cái vụ ôm tiền triệu chạy nhong nhong ngoài đường. Lỡ bị kẻ xấu giựt giỏ, biết lấy gì đền?”
Tôi nhìn thấy anh trong lần đầu tiên ấy là chuyện rất tự nhiên. Làm xong thủ tục, Phượng ra về, để quên cái nón trên bàn của tôi. Thấy tội nghiệp bà bầu nặng nề phải leo trở ngược lên lầu, nên tôi thò đầu ra cửa sổ gọi Phượng rồi cầm cái nón, đi như chạy trên từng bậc thang. Xuống tới lề đường, Phượng rối rít cảm ơn tôi, và giới thiệu tôi với người đàn ông đang loay hoay đạp máy xe. “Anh Tuấn làm chung trường với em đó”.
Chúng tôi lịch sự chào nhau, đúng phép xã giao giữa hai người xa lạ cùng quen biết chung một người. Và tôi nghe tim mình nhảy thót lên, vì đôi mắt dài, mở to với hàng mi dày như con gái của người đàn ông ấy.
Tôi bắt đầu trông ngóng những lần Phượng đến ngân hàng. Lúc đó, tôi tìm đủ cách để nhìn qua cửa sổ xuống lề đường, tìm cái bóng mát có người đàn ông đang đợi Phượng. Tôi chỉ thấy cái lưng khòm khòm, đôi chân dài ngoẵng thả từ yên xe xuống đất mà đầu gối vẫn cong như đang ngồi trên chiếc ghế thấp lùn ở quán cóc lề đường. Đó là hình ảnh của chàng trai lý tưởng từ thuở tôi bước vào tuổi biết mộng mơ, và biết mình không đẹp gái.
Một bữa, tôi giả vờ vô tình hỏi về anh. Phượng vô tư kể. Anh nhỏ hơn tôi một tuổi, với đàn ông thì cũng đã xếp vào loại hơi trễ tuổi lập gia đình. Ôi! Tôi thấy lóe lên mấy tia hy vọng. Hôm đó, tôi chuyển cho Phượng toàn những tờ tiền mới cứng, sạch sẽ, thơm mùi mực. Từ giờ đến lúc Phượng nghỉ hộ sản, nhất định, tôi sẽ có một vài cơ hộ
Cứ như biết được lòng dạ của tôi, lần công tác kế tiếp, Phượng đã tự kể, không chờ tôi dò hỏi. Anh có người yêu lâu rồi. Cô đó là nhân viên thư viện trong trường. Nhưng mà họ cứ dùng dằng mãi, lùi không được, tiến không xong vì nàng đang chờ đi xuất cảnh, diện đoàn tụ gia đình. Hình như, vừa nói, Phượng vừa kín đáo quan sát tôi. Lông mày tôi nhăn nhíu khi vừa nghe thông tin đầu tiên “đã có người yêu”. Nghe tới thông tin thứ hai “khó làm đám cưới”, ánh mắt tôi đang u tối chợt long lanh trở lại. Tôi cố giữ vẻ thản nhiên, nói bằng giọng bình thường như nghe chuyện nhỏ nhặt linh tinh ngày nào cũng có: “Vậy sao?”.
Chưa có chồng, nhưng tôi đâu còn là một cô gái trẻ vụng dại. Hãy từ từ! Đừng để con nhỏ Phượng khôn lỏi này thao túng điểm yếu của mình. (Chuyện đó sớm muộn gì cũng phải xảy ra. Tôi thích anh quá mà!) Bây giờ thì hơi sớm. Không nên vội vàng hấp tấp, không tốt chút nào.
Thực tế là tôi không có một lợi thế nào để bám víu.
Không trẻ trung, kém xinh xắn, không có điều kiện tiếp xúc thường xuyên mỗi ngày với anh như “cô kia”. Nhưng tôi biết rõ một điều. “Cô kia” dứt khoát phải rời xa anh, đường đi xa lắc, trắc trở ngút ngàn, mà không biết khi nào mới được gặp lại. Điều kiện tiền bạc, thủ tục giấy tờ sẽ làm khó họ, dai dẳng biết mấy năm trời đằng đẵng. Họ có thể chờ đợi nhau tới bao giờ? Một năm? Năm năm? Mười năm?
Tôi không muốn chờ với họ. Tôi nhất định phải lấy được anh làm chồng.
..
Reviews
There are no reviews yet.